Giá nhôm tăng phi mã do khủng hoảng năng lượng
Nhôm,
kim loại được sử dụng trong mọi thứ từ lon bia đến iPhone, đã tăng lên mức cao
nhất kể từ năm 2008 khi khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc lan rộng.
Những
người trong ngành thường nói đùa rằng nhôm về cơ bản là một thứ kim loại bằng
điện. Mỗi tấn kim loại này cần khoảng 14MWh để sản xuất, mức năng lượng đủ để một
ngôi nhà trung bình tại Anh dùng trong hơn ba năm. Nếu coi ngành công nghiệp sản
xuất 65 triệu tấn nhôm một năm là một quốc gia, thì nước này sẽ tiêu thụ điện lớn
thứ năm trên thế giới.
Điều này
cũng có nghĩa, nhôm là một trong những mục tiêu đầu tiên trong nỗ lực hạn chế sử
dụng năng lượng trong công nghiệp của Trung Quốc. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng
năng lượng hiện tại được giải quyết, Bắc Kinh cũng đặt ra một giới hạn cứng với
năng lực sản xuất trong tương lai, hứa hẹn chấm dứt những năm mở rộng quá mức
và làm tăng khả năng thiếu hụt nguồn cung. Chi phí năng lượng tăng trên khắp
châu Á và châu Âu cũng có nghĩa là nguy cơ bị cắt giảm nguồn cung nhiều hơn, một
số nhà đầu tư đang đặt cược rằng giá nhôm sẽ còn phải chạy xa hơn nữa.
Kim loại
này đã tăng 3,3% lên 3.064 USD mỗi tấn trên Sàn giao dịch London (Anh) vào đầu
tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, dẫn đầu mức tăng chung của các kim
loại cơ bản.
Thực tế,
những tuần gần đây, các nhà đầu tư đã kêu gọi mua với giá thực tế lên tới 4.000
USD một tấn, theo các nhà giao dịch trên thị trường, đặt cược nhôm có thể xác lập
mức đỉnh kỷ lục mới.
Giá một
tấn nhôm giao dịch trên sàn London (màu
đen) và chi phí điện cho việc sản xuất một tấn nhôm tại Đức (màu đỏ). Ảnh:
Bloomberg
Giá một
tấn nhôm giao dịch trên sàn London (màu đen) và chi phí điện cho việc sản xuất
một tấn nhôm tại Đức (màu đỏ). Ảnh: Bloomberg
"Nó
giống như một trò chơi của quỹ đầu cơ", Keith Wildie, người đứng đầu bộ phận
giao dịch tại Romco Metals, cho biết. "Vị thế giao dịch của họ đã làm thay
đổi đáng kể thị trường và khiến giá tăng mạnh".
Khi những
nhà giao dịch kim loại chuẩn bị quy tụ tại sự kiện LME Week hàng năm, các dấu
hiệu cho thấy sức ép lên ngành công nghiệp nhôm tiếp tục gia tăng. Trung Quốc
thông báo sẽ cho phép áp mức giá điện cao hơn, trong một nỗ lực để giảm bớt cuộc
khủng hoảng năng lượng đang tồi tệ. Còn tại Hà Lan, nhà sản xuất nhôm Aldel dự
kiến cắt giảm sản lượng từ tuần này do chi phí sản xuất tăng mạnh.
Mark
Hansen, Giám đốc điều hành Concord Resources có trụ sở tại London, cho biết một
số nhà máy nhôm tại Trung Quốc đang phải dừng sản xuất và sản lượng của nước
này có thể đã đạt đỉnh, ít nhất là trong ngắn hạn. Hansen cũng dự báo giá nhôm
có thể tăng tiếp lên 3.400 USD mỗi tấn trong 12 tháng tới.
Sức ép của
cuộc khủng hoảng năng lượng cũng làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng đến năng lực
xuất khẩu nhôm của Trung Quốc. Sự bùng nổ của sản xuất đưa Trung Quốc trở thành
cường quốc nhập khẩu kim loại. Ngược lại, quốc gia này cũng xuất khẩu một lượng
lớn nhôm bán thành phẩm, một phần được hỗ trợ bởi các khoản giảm thuế.
"Với
mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu điện và các biện pháp cắt giảm mà
chúng tôi đã thấy, có vẻ như không hợp lý khi Trung Quốc xuất khẩu lượng lớn
nhôm mỗi tháng", James Luke, giám đốc quỹ hàng hóa tại Schroders, cho biết.
"Về cơ bản, việc này giống như xuất khẩu năng lượng".
Các nhà
phân tích bao gồm cả Goldman Sachs Group cho rằng có khả năng Bắc Kinh giảm hoặc
loại bỏ các khoản giảm thuế đối với hàng xuất khẩu để làm chậm dòng chảy kim loại
ra khỏi biên giới.
Với việc
Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nhập khẩu một khối lượng lớn nhôm vào năm tới, điều
đó có thể khiến phần còn lại của thế giới sẽ chịu sức ép về khả năng thiếu hụt
và tạo ra nguy cơ giá hàng hóa còn tăng tiếp.
Ngoài
ra, giá nhôm còn bị đẩy cao hơn sau khi EU áp thuế chống bán phá giá đối với
nhôm cán phẳng từ Trung Quốc, mặc dù ban đầu đã đình chỉ thuế trong 9 tháng và
loại trừ một số vật liệu chính, bao gồm kim loại được sử dụng trong đồ uống,
ôtô và các ngành công nghiệp máy bay.
Giá nhôm
tăng vọt, theo thông thường, sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất ở những nơi khác mở lại
các nhà máy cũ và xem xét bổ sung nguồn cung mới. Tuy nhiên, sự tăng vọt về chi
phí điện năng đang gây áp lực lên các lò luyện và có thể gây khó khăn cho việc
khởi động lại.
Ví dụ, nếu
một nhà máy luyện nhôm ở Đức phải trả khoảng 4.000 USD cho chi phí điện cần thiết
để sản xuất một tấn kim loại, con số này vượt xa giá nhôm hiện tại.
"Thị
trường kim loại toàn cầu vào năm 2022 sẽ bị thu hẹp ở mức độ chưa từng
có", Eoin Dinsmore, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu sản phẩm và cơ bản về
nhôm tại CRU cho biết. "Phần còn lại của thế giới không thể bù đắp đủ cho
sự thiếu hụt của Trung Quốc".
nguồn: vnexpress